Ngày 03/3/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tham dự có các đồng chí Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thành phố; Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố cùng 131 đại biểu, đại diện Ban Dân vận Quận ủy, các vị hưu trí nguyên lãnh đạo các quận, huyện đang cư ngụ trên địa bàn quận Bình Thạnh; đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận, lãnh đạo UBND 20 phường; các vị chức sắc, chức việc các cơ sở tôn giáo; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam 20 phường, đại diện Trưởng Ban Thanh tra nhân dân, Chi hội luật gia 20 phường, Trưởng ban Công tác Mặt trận các khu phố.
Chủ trì hội nghị là các đồng chí Nguyễn Thu Hương, UVBTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận; Hồ Phương, QUV, Phó Chủ tịch UBND quận; Nguyễn Đức Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận.
Sau phần phát biểu đề dẫn của đồng chí Nguyễn Thu Hương; Luật sư Nguyễn Văn Hậu giới thiệu các điểm mới, những nội dung đang được các vị chuyên gia, Nhân dân quan tâm góp ý.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều lượt phát biểu ý kiến của các vị Luật gia, Luật sư, doanh nghiệp, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố với 46 nội dung. Đa phần các đại biểu đánh giá cao và khẳng định sự cần thiết cho việc điều chỉnh Luật Đất đai để thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Bên cạnh đó, có nhiều đại biểu rất quan tâm đến việc quy định bồi thường, tái định cư cho người dân khi có đất bị thu hồi. Đại biểu Đăng Văn Khoa có đề nghị Khoản 2, Điều 89 cần quy định bảo đảm người dân có đất bị thu hồi có chổ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ chứ không thể để bằng nơi ở cũ mà dự thảo có đề ra. Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư huyện ủy Bình Chánh cho rằng dự thảo Luật cần cụ thể tại Khoản 3, Điều 89 về việc bồi thường đất bằng tiền theo giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Trên thực tế, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người dân thường kê khai giá thấp hợp thực tế để giảm tiền thuế phí trước bạ, điều này dẫn đến giá đất do các cơ quan thẩm định căn cứ vào các hợp đồng thành công sẽ thấp hơn thực tế, nếu áp giá này trong quá trình thu hồi thì người dân sẽ không đồng thuận.
Luật sư Phạm Công Hùng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: T. Thật) |
Luật sư Phạm Công Hùng, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, Giám đốc Công ty Luật Công Hùng và cộng sự cho rằng Khoản 2 và Khoản 3, Điều 89 có mâu thuẫn với nhau. Khoản 2 đề ra nguyên tắc bồi thường phải đảm bảo đời sống người dân bằng hoặc cao hơn, nhưng tại Khoản 3 thì giá đất tính bồi thường là tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, mà trên thực tế tại thời điểm phê duyệt đến thời điểm bồi thường thì giá đất đã có thay đổi (đa phần là tăng) vì vậy người dân không được đảm bảo nguyên tắc bồi thường bằng hoặc hơn”.
Sau khi nghiên cứu quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (tại Khoản 2, Điều 143 của dự thảo), bà Nguyễn Minh Sáu, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu phố 3, Phường 17 cho rằng nội dung cấp một giấy chứng nhận cho mỗi người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (trên thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà) cần xem xét, cân nhắc kỹ. Bà đồng tình với việc ghi tên của các thành viên có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trên giấy chứng nhận thay vì ghi hộ gia đình như trước đây. Điều này sẽ góp phần làm cơ sở cho các cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai khi có yêu cầu.
Vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong quản lý và sử dụng đất đai (Điều 20 của dự thảo) cũng được các đại biểu quan tâm. Đa phần cho rằng Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội cần tham gia ngay từ đầu trong công tác quản lý đất đai, tránh trường hợp chỉ tham gia trong khâu tuyên truyền, vận động Nhân dân trong thực hiện thu hồi đất.
Trong thời gian qua hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội quận, phường đã tổ chức 23 cuộc hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, góp ý qua email, qua hình thức trực tuyến công cụ Google Drive. Thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 15/3/2023.
Các ý kiến đóng góp sẽ được cơ quan soạn thảo tổng hợp điều chỉnh đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
• Từ ngày 16/02 đến 03/3/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 6, 7, 13, 14, 15, 17, 19, 21, 25, 27 và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp UBND tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại hội nghị, hầu hết đại biểu tại các phường đều cơ bản nhất trí và đánh giá cao sự cần thiết ban hành dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, nhất là những bất cập trong quản lý và sử dụng đất. Nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cơ bản đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; điều chỉnh theo hướng khắc phục các tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai 2013.
Đại biểu Phường 7 đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: MĐ) |
Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã ghi nhận nhiều lượt ý kiến tham gia đóng góp cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) xoay quanh các vấn đề về giá đất, tranh chấp đất đai, cơ chế thực hiện dự án, đấu thầu, đấu giá, bồi thường tái định cư, phát triển quỹ đất, phân cấp Nhà nước trong thẩm định giá. Đa số ý kiến cho rằng những điều khoản áp dụng của Luật cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.
T. THẬT - MH - HD - HM - H. NAM - AK - QT - NH
Đại biểu Phường 19 đóng góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: H. Nam) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Cám ơn bạn đã quan tâm